Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Tại Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2024 do Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) thực hiện và công bố mới đây, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá vẫn đang ở trạng thái duy trì, chờ đợi những “nút thắt” được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại.
“Bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi
Theo dự báo, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường sẽ bắt đầu “rục rịch” chuyển động khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây.
“Doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước; chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới thay đổi, đáp ứng các quy định mới…”, VARs IRE dự báo.
Thị trường bất động sản ghi nhận kết quả phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm. |
Tuy nhiên, có nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường.
“Các bộ luật mới chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là bộ lọc loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi”, theo VARs IRE.
Do đó, Hội Môi giới Bất động sản kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, “trải đường sẵn” để các bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.
Để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới, cần nâng cao công tác phổ biến kiến thức pháp luật thông qua việc khuyến khích tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, chương trình phổ biến cơ chế, chính sách.
Đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ; đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như nâng cao công tác theo dõi, giám sát, có hình thức kỷ luật với các trường hợp cố tình “né tránh” gây chậm trễ trong việc thực hiện. Đặc biệt, cần quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, cụ thể tới từng dự án, nhất là các dự án nhà ở xã hội.
TS Nguyễn Minh Phong, Biên tập viên cao cấp, Thư ký Hội đồng khoa học – nghiệp vụ Báo Nhân dân lưu ý, các văn bản hướng dẫn luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo. Các cơ quan chức năng cần hiểu đúng để có thể vận dụng chính xác trong quá trình thực hiện; cần đảm bảo sự công khai, tính minh bạch trong triển khai; tiếp tục đón nhận các ý kiến phản biện để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực thi…
Tháo gỡ cho bất động sản là tháo gỡ cho phục hồi kinh tế
Dưới góc nhìn kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, các bộ luật khi có hiệu lực sớm về mặt thời gian sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12 – 14% GDP quốc gia. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.
“Cả 3 bộ luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các “nút thắt” cho thị trường khi 70 – 80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Đồng thời tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các Nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường”, TS Thành nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, cần hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đang chưa được như kỳ vọng, đặc biệt, chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản.
Với các doanh nghiệp, cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển bất động sản hợp túi tiền và nhu cầu của người dân. Phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn nhận mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần thiết phải “thông cầu, thông cung”. Trong đó, có những việc cấp bách cần phải làm ngay.
Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường. Thứ hai, thông các nguồn lực và có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp và khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới. Thứ ba, xem xét các giải pháp cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên. Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.
“Cần lưu ý các giải pháp phải được thực hiện một cách đồng bộ. Nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản chính là khâu trọng yếu đó”, vị chuyên gia lưu ý.