Môi giới nói chung và môi giới bất động sản thổ cư nói riêng là một nghề bí ẩn, ít được thừa nhận và nhắc đến. Thường đại diện qua hình ảnh người cò đất hay lê la khắp xóm, hay bà trà đá đầu làng thạo tin. Kèm theo đó là rất nhiều định kiến, hiểu sai về nghề. Điển hình như: nghề bán nước bọt, ít giá trị, lừa lọc, lươn lẹo, may rủi, kiếm tiền dễ không xứng đáng.
Các định kiến này là rào cản chính khiến cho rất nhiều người có năng lực, trình độ không tiếp cận với nghề, làm bản thân chúng ta mất đi cơ hội và làm cho thị trường trở nên thiếu hiệu quả hơn. Nhận diện các định kiến và hiểu đúng về nghề giúp chúng ta có lựa chọn và tâm thế tốt nhất khi bước vào nghề.
Là một kỹ sư Bách Khoa, lại làm giáo dục trong vòng 10 năm, qua trải nghiệm làm việc với nghề môi giới thổ cư, tôi thấy nghề này không hề ít chất xám chút nào. Nghề đòi hỏi rất nhiều tư duy, kỹ năng, kiến thức tổng hợp, như: tư duy tổ chức, sự chăm chỉ bền bỉ, kỹ năng giao tiếp kết nối, hiểu biết về nhà, về pháp lý, quy hoạch, xã hội học…
Cùng điểm qua top 6 định kiến sai lầm về nghề sau đây.
1. Nghề bán nước bọt, thô sơ, chỉ trỏ, chẳng có giá trị gì
Nhìn từ bên ngoài công việc của người môi giới bất động sản thổ cư thì quả đúng là như vậy. Đầu tiên thấy có người gọi đến cho môi giới, rồi anh ta dắt đi xem vài căn nhà, sau đó khách này mua nhà, môi giới nhận tiền hoa hồng từ chủ nhà. Quả là công việc nhìn dễ như ăn kẹo.
Tôi đã từng giao dịch những căn nhà mà khách đã đi tìm nhà 1 năm và chủ thì rao bán nhà cũng đã hơn 6 tháng rồi. Khi bia được bật ngay tại bàn giao dịch, khách chủ mừng vui thân thiết, lúc đó tôi mới trải nghiệm được các giá trị của nghề. Và để làm được điều đó, đòi hỏi sự tinh vi và trau dồi rất nhiều trong nghề.
Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện do chính bố mẹ tôi kể lại, về một ông kỹ sư Thụy Điển, được thuê 50.000 USD tài trợ đi lại, ăn ở để sang Việt Nam tìm lỗi cho một nhà máy giấy ở Việt Nam. Lỗi này các kỹ sư Việt đã vận hành suốt 3 tháng mà không thể tìm ra.
Ông kỹ sư Thụy Điển đến Việt Nam nghỉ ngơi 2 ngày, sau đó đến nhà máy và đi lòng vòng, chỉ sau 15 phút, ông đã tìm ra lỗi và chỉ đạo khắc phục được ngay. Đến lúc thanh toán, mấy bác quản lý tiếc rẻ, thốt lên, sao ông sửa có 15 phút mà ông lấy đắt thế, bớt đi cho chúng tôi.
Ông kỹ sư cười nói: Để có được 15 phút này, tôi đã phải rèn luyện 30 năm trong nghề. Các ông muốn tôi sửa trong 15 phút hay sửa trong 3 tháng.
2. Nghề lừa lọc, lươn lẹo
Có thể rất nhiều người đã có những trải nghiệm không tốt ở vị trí khách hàng, khi mình đi mua một căn nhà, mảnh đất. Đúng là trong lĩnh vực này, vì ham rẻ mà bạn có thể mua phải đất dính quy hoạch, lỗi phong thủy, đất nghĩa trang, nhà tiểu sử không tốt… tham khảo 30 lỗi của một căn nhà thổ cư.
Nhưng hiện nay, với thông tin rộng mở, khách hàng có quá nhiều kênh để tiếp cận và so sánh. Những môi giới quanh co, lừa dối khách hàng chắc chắn sẽ không có đất diễn và sớm muộn cũng bị đào thải.
Đã nhiều lần khách hàng của tôi đã trực tiếp gửi cho tôi các thông tin nhà mà khách nghi vấn khi đi cùng môi giới khác. Tôi đã trực tiếp phân tích cho khách hiểu các điểm không phù hợp, khách nên cẩn thận. Khách hàng có quá nhiều cách để kiểm tra chéo thông tin.
Mua một căn nhà giá trị lớn tiền tỷ, người Môi giới chắc chắn cần làm việc uy tín, xây dựng lòng tin với khách hàng. Trong nghề Môi giới anh em thường có câu: “Phải chốt được niềm tin của khách trước rồi mới chốt được nhà”.
3. Nghề quá khó, bán sao được
Bạn đã từng thử mang một bộ quần áo hay một chiếc đồng hồ đi bán chưa, bán sẽ hiểu độ khó của việc bán một căn nhà tiền tỷ. Tôi đã gặp không ít những căn nhà đã nhiều năm rao bán mà chưa có người mua. Và tôi cũng đã trực tiếp làm việc với những người cả năm chưa bán được căn nhà nào.
Nhưng, hãy nhìn các căn nhà ở Hà Nội, có căn nhà nào không có chủ không ạ? Các căn nhà đều sẽ bán được, vấn đề là khi nào, và ai bán được.
Đặc biệt tôi cũng gặp vô cùng nhiều những người ấm no với nghề, tháng bán vài căn nhà. Ấn tượng hơn nữa, đó là họ đến từ rất nhiều ngành nghề, trình độ khác nhau, từ sinh viên cho đến chủ tịch, giáo sư, tiến sỹ.
Sau một thời gian làm việc có kết quả, và đúc rút ra được các phương pháp cốt lõi, tôi có thể kết luận nghề này ai cũng có thể làm được, nó khó với người không chịu làm và không biết cách làm, và dễ với những người chăm chỉ, làm việc có phương pháp.
4. Nghề may rủi
Khi nhắc đến nghề môi giới nhà đất, hầu hết mọi người đều thấy những người làm nghề này đều có thu nhập rất tốt, nhưng nhiều người nói không hợp vì: “Nghề này phải có duyên mới bán được”.
Rồi nhiều anh em bán hàng bập bõm thì luôn bàn tán về việc tháng này có lộc, tháng kia ít lộc. Theo trải nghiệm của tôi thì đến cả rằm tháng 7 và 30 Tết vẫn có người bán được nhà bình thường. Vậy may rủi đóng vai trò như thế nào trong nghề này.
Đúng là xác suất đóng vai trò quan trọng trong nghề bán hàng. Bạn sẽ phải dẫn nhiều khách xem nhà, thường là 30 khách, mới có một người mua nhà của bạn dẫn. Bản thân tôi đã bán đều đặn 1 tháng 1-2 căn nhà.
Nhưng cũng có những anh em, dẫn đến 70-100 khách mà chẳng chốt nổi đến một căn. Tỷ lệ chuyển đổi khác nhau này cho thấy tác động của trình độ của người môi giới trong quá trình chăm khách.
5. Nghề hái ra tiền
Tôi thấy có một nghịch lý thế này, một mặt người ta cho rằng nghề này rất khó, may rủi, nhưng mặt khác người ta lại luôn có thái độ ganh tị với những người làm được, bán được nhiều nhà, có nhiều tiền. Từ đó thêu dệt lên việc làm môi giới bất động sản thổ cư rất nhàn hạ, mà lại nhanh giàu.
Mỗi căn nhà bán được thu về nhiều chục triệu, hàng trăm triệu, kiểu gì mà không giàu. Thực tế tiềm năng của nghề môi giới bất động sản thổ cư là có thực, nhưng nghề này phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Khi nhìn thấy một khách mua nhà của môi giới, họ không nhìn thấy 29 khách khác đi xem chán chê về mà không mua. Họ cũng không thấy được ngày nắng hay ngày mưa môi giới cũng phải đi khảo sát, tìm nhà, cập nhật kho hàng.
Cái gì cũng có giá của nó, bạn sẽ có thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra, đặc biệt là với nghề môi giới bất động sản thổ cư.
6. Nghề không có tổ chức, làm tùy hứng, lười biếng
Hình ảnh của những người làm môi giới suốt ngày ngồi trà đá, cafe tán phét làm người ngoài nhìn vào nghĩ rằng nghề này là của những người lười nhác. Có một điều cần khẳng định là không có ai lười biếng mà lại có thu nhập cao cả.
Bạn cũng sẽ bất ngờ về sự tổ chức bài bản, công phu trong nghề. Người tìm nguồn nhà, người tìm khách. Phải xây dựng đội ngũ anh em hùng hậu, bám địa bàn, làm vua khu vực, hiểu thấu khu vực mình quản lý.
Đêm hôm có nhà mới lên, có khách mới gọi vẫn phải cập nhật, vì biết đâu đó sẽ là căn nhà hoặc là vị khách mà sẽ chốt nhà ngay với mình ngày hôm sau. Nghề này làm một mình là chết, có anh em, đồng đội mới sống, và sống rất khỏe.